13/12/2023 17:29 GMT+7

Các khu chung cư ở Đà Nẵng xuống cấp làm 'nóng’ buổi chất vấn kỳ họp HĐND

Các khu chung cư hết hạn, xuống cấp, người dân ở nơm nớp, việc di dời dân đi nơi khác được các đại biểu quan tâm chất vấn Sở Xây dựng Đà Nẵng.

Khu chung cư Thuận Phước xuống cấp - Ảnh: LÊ TRUNG

Khu chung cư Thuận Phước xuống cấp - Ảnh: LÊ TRUNG

Chiều 13-12, kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chất vấn giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu Lương Công Tuấn (quận Hải Châu) cho biết hiện nay 3 khu chung cư Thuận Phước, Hòa Minh và Lâm Đặc Sản Hòa Cường đã xuống cấp.

Sở xác định phương án nào để đầu tư xây dựng các khu chung cư thay thế để ổn định cuộc sống người dân?

Ông Phùng Phú Phong - giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng - cho biết năm 2022, UBND thành phố đã chỉ đạo sở kiểm tra, kiểm định 3 khu chung cư trên. Sau kiểm định, 3 khu chung cư này đều ở mức độ nguy hiểm cấp C.

Sở đã báo cáo thành phố thống nhất việc di dời người dân ở 3 khu chung cư này.

Sở cũng đề xuất hai phương án: Phương án 1 là tiếp tục thuê chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, hai là mua chung cư nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách tại một số dự án.

Tháng 8-2023, UBND thành phố thống nhất và giao cho Sở Xây dựng kế hoạch di dời, giải tỏa các khu chung cư trên để trình UBND phê duyệt, mới đây ngày 8-12, sở đã báo cáo UBND thành phố phê duyệt kế hoạch di dời, giải tỏa.

"Theo kế hoạch thì 3 chung cư trên sẽ di dời, giải tỏa trong giai đoạn 2024 - 2025", ông Phong nói.

Ông Phùng Phú Phong - giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - trả lời chất vấn - Ảnh: L.T.

Ông Phùng Phú Phong - giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - trả lời chất vấn - Ảnh: L.T.

Đại biểu Tuấn cho rằng ông khảo sát thực tế thấy chung cư Thuận Phước có 648 căn với 2.000 nhân khẩu, hiện đã xuống cấp, sở đưa ra 2 phương án mà không cụ thể là chọn phương án nào.

Trong đó phương án 2 là không khả thi vì cuộc sống người dân khó khăn, không thể mua chung cư nhà ở xã hội được. Nên chọn phương án nào có lợi cho dân để họ đồng thuận.

Còn đại biểu Vũ Quang Hùng nói rằng từ năm 2017, Sở Xây dựng đánh giá khu chung cư Thuận Phước đến năm 2020 là hết hạn sử dụng, như vậy đến nay đã quá 3 năm rồi.

Các chung cư hết hạn sử dụng thì phải đưa người dân ra ngoài, chứ không phải chờ phương án tái định cư, vì vậy ông đề nghị phải xử lý sớm.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết - chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng - đề nghị cần đưa ra các phương án cụ thể. "Các đại biểu đặt câu hỏi các khu chung cư xuống cấp, nguy hiểm như thế rồi, giải pháp trước mắt là bao giờ di dời hết các hộ dân ra ngoài để chờ có chỗ ở mới, chứ không lỡ có vấn đề gì thì ai chịu trách nhiệm" - ông Triết nói.

Ông Triết đề nghị Sở Xây dựng có ý kiến, cam kết như thế nào, ông Phong cho biết hiện nay mới dừng ở mức báo cáo kế hoạch, phương án.

Ông Triết hỏi: giám đốc có cam kết là bao giờ hoàn thành xong phương án bố trí người dân của 3 chung cư này? Ông Phong cho biết sở sẽ rà soát và có báo cáo về phương án cho HĐND vào kỳ họp gần nhất.

Ông Triết yêu cầu phải có phương án cụ thể, chứ không thì khi đi thuyết phục dân, có khi họ không đồng thuận. Phải tập trung xử lý dứt điểm, bên cạnh đó hướng dẫn chung cho các chung cư có hình thức tương tự.

Chung cư 137 Lý Thường Kiệt: Xuống cấp trầm trọng, dân chờ 5 năm chưa được di dời tạm cưChung cư 137 Lý Thường Kiệt: Xuống cấp trầm trọng, dân chờ 5 năm chưa được di dời tạm cư

Dù có quyết định bố trí tạm cư từ năm 2018, nhưng 5 năm qua người dân chung cư 137 Lý Thường Kiệt (Tân Bình, TP.HCM) vẫn mỏi mòn trông ngóng về nơi ở mới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên