12/01/2023 10:44 GMT+7

Cuối năm rền rĩ 'Đắp mộ cuộc tình' - Kỳ 2: Hát, hú và hét

Trong câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" mang tên karaoke mọi lúc mọi nơi, khổ nhất là những người có hàng xóm thích ca hát karaoke.

Cuối năm rền rĩ 'Đắp mộ cuộc tình' - Kỳ 2: Hát, hú và hét - Ảnh 1.

Anh Dũng được băng bó tại Bệnh viện TP Thủ Đức sau khi bị những người hát karaoke đánh - Ảnh: XUÂN ĐOÀN

Bán nhà rời đi là chuyện xa vời, họ đành chịu trận với 1.001 cách đối phó mà một trong những cách đối phó phổ biến là đóng kín cửa... chịu trận.

Chấp nhận chịu trận bể tai, tức ngực

Có người chịu không thấu thì "di tản" tạm thời ra quán cà phê hoặc qua nhà người quen lánh nạn vài giờ. Người thì chọn cách mở nhạc rồi đeo tai nghe để át đi tiếng ồn từ hàng xóm, hoặc nhét bông gòn vào tai. Có người "can đảm" hơn thì gọi điện cho tổ trưởng khu phố hoặc công an phường, xã để khiếu nại.

Thôi thì đủ nỗi khổ sở và đủ cách đối phó với những tín đồ karaoke.

"Trời ơi! Nhà tôi khủng hoảng vô cùng", chị Trần Thu Hoa (đã được đổi tên, ngụ hẻm đường Nguyễn Quý Anh, quận Tân Phú, TP.HCM) cảm thán khi nói về chuyện bị ông hàng xóm liên tục "khủng bố" bằng karaoke.

Thuê nhà trong một hẻm nhỏ, gần 10 năm nay gia đình chị Hoa và những hộ dân khác phải chịu cảnh bị "tra tấn" màng nhĩ khi ông N. trong xóm có niềm đam mê mãnh liệt với karaoke và muốn cả xóm cùng tận hưởng giọng ca át cả tiếng... máy bay của mình.

"Nhà tôi khổ nhất vì ở ngay đối diện, mỗi lần hát là ổng mở cửa, đem loa ra trước nhà rồi bật âm lượng hết cỡ. Nhà tôi là nhà cấp 4, không có cửa kính và không có phòng riêng để hạn chế âm thanh, bao nhiêu thứ chát tai tức ngực bên đó giội thẳng qua", chị Hoa bức xúc cho biết nỗi khổ này kể ra chắc... ba ngày ba đêm cũng không hết.

Người phụ nữ 36 tuổi cho biết ông N. mở âm thanh lớn đến nỗi đứng cách khoảng 50m vẫn còn nghe. Ông này hầu như hát mỗi ngày, chỉ trừ chủ nhật vì hôm đó có vợ con ở nhà. 

Ông làm bảo vệ ca đêm, ban ngày ở nhà, nên nếu bữa nào ngủ buổi sáng thì mở hát buổi chiều, ngủ giấc chiều thì hát lúc sáng. Từ 7h sáng tới 12h trưa hoặc 12h trưa tới 5h chiều, ông hát đủ thể loại nhạc như quê hương, vọng cổ...

"Mấy tiếng đồng hồ đó nhà tôi bị tra tấn dữ dội bởi đủ thể loại âm thanh tạp nham từ bên đó vọng qua" - chị Hoa nói ban đầu vẫn ráng chịu đựng vì ở nhà chỉ mình chị nghe, còn hai con đi học mẫu giáo, chồng đi làm tối mới về. Mỗi lần như vậy, chị chọn cách đeo tai nghe hoặc mở tiếng tivi lớn lên, song cũng chẳng ăn thua gì với tiếng loa công suất khủng bên kia.

"Khủng hoảng nhất là lúc con tôi học online hồi dịch năm ngoái. Đầu dịch thì chưa ảnh hưởng, nhà tôi còn bình yên vì lúc đó ông N. đến chỗ làm thực hiện "ba tại chỗ", không về nhà được. Đến đầu tháng 10-2021, ông ấy về thì sóng gió kéo tới. 

Cứ đến giờ con tôi mở điện thoại học online là ổng cất tiếng hát làm cháu không thể nghe cô nói, không học được cái gì, cho nên sau đó đợi cô giáo gửi bài giảng lên group rồi tôi ngồi kèm lại cho cháu.

Có lần con tôi vào đợt thi học kỳ online, hôm đầu thi phải nhờ hàng xóm gọi điện cho vợ ông N. để can thiệp nên mới được yên ổn. Tới ngày con thi tiếng Anh mà phần nghe thì ổng hát lên, con tôi chẳng nghe được gì hết", người mẹ hai con cho biết.

Đối mặt với người hàng xóm thiếu ý thức, chị Hoa và nhiều người trong xóm không ít lần lên tiếng phản đối, từ gặp trực tiếp nói chuyện nhẹ nhàng, nhờ người thân của ông N. can thiệp, cho đến gọi tổ trưởng khu phố và công an khu vực xuống. 

Nhưng chẳng ai làm được gì. Mỗi lần bà con góp ý đều bị ông chửi lại, tuyên bố "nhà tao, tao hát" và ra vẻ thách thức nếu ai gọi công an. Vậy là cả xóm đành bất lực chịu trận. Hàng xóm chị Hoa còn tuyên bố không nhìn mặt, coi ông N. là "kẻ thù truyền kiếp".

Không chịu trận như chị Hoa, chị Ngọc Yến (26 tuổi, ngụ hẻm đường quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức) chọn cách ra quán cà phê lánh nạn mỗi lần hàng xóm cất giọng. 

Chị cho biết: "Khu vực tôi sinh sống đông dân cư, hàng xóm phía sau nhà thường hay hát. Có lần tôi đang ngủ trưa thì hàng xóm bắt đầu hát những giai điệu đau khổ như Đắp mộ cuộc tình". Yến phải chịu đựng hàng xóm hát kéo dài lê thê đến chiều, sau đó nghỉ xả hơi rồi lại... hát tiếp.

"Vậy là tiêu tùng ngày cuối tuần vì bình thường ngày nghỉ tôi hay đọc sách, thư giãn. Cuối cùng tôi phải ra quán cà phê lánh nạn. Hầu hết các dịp lễ tết, cuối tuần, tôi đều chịu đựng hàng xóm hát hò như vậy", chị Yến nói.

Cuối năm rền rĩ 'Đắp mộ cuộc tình' - Kỳ 2: Hát, hú và hét - Ảnh 2.

Chỉ vì bị át tiếng loa karaoke, Nguyễn Anh Quốc đã đâm chết người và bị kết án tử hình - Ảnh: ĐAN THUẦN

Không dám phàn nàn vì sợ... đụng độ

Nếu chị Yến hay phải chịu đựng hàng xóm hát vào ngày cuối tuần thì bà Nguyễn Lan (đã được đổi tên, 63 tuổi, ngụ hẻm đường Dương Công Khi, huyện Hóc Môn) thường xuyên phải nghe hàng xóm hát karaoke vào giữa trưa. Bị cao huyết áp lâu năm, bà Lan cho biết bản thân cảm thấy rất mệt mỏi khi cứ chừng 11h trưa thì nhà sát bên lại mở karaoke cho đến xế chiều.

Cứ đều đều như vậy, cuối cùng bà Lan phải "dời đô" từ căn phòng của mình ở phía trước nhà xuống căn phòng nhỏ gần bếp để đỡ ồn ào. Bà kể: "Phải chi họ hát hay và hát nhỏ thì tôi cũng không nói làm gì. Nhưng có giọng thì rên rỉ, giọng thì như hú, như hét... khiến mình vừa nghe đã thấy muốn điên luôn".

Dù phải chịu đựng lâu ngày song bà Lan cũng không phàn nàn với người trưởng ấp hoặc công an xã vì ngại mất lòng hàng xóm. Hơn nữa, theo bà, có nhiều vụ án xô xát liên quan việc sang nhắc nhở hàng xóm liên quan chuyện hát karaoke nên bà cũng không dám "manh động".

"Cuối tuần, con trai tôi cũng hay về chơi. Con tôi cũng bực nhưng tôi dặn con đừng càm ràm gì vì sợ mâu thuẫn. Với lại, bình thường hàng xóm cũng vui vẻ tốt bụng, chỉ mỗi chuyện hát karaoke là kinh khủng thôi", bà Lan cho biết. Dạo này, hàng xóm cũng hay đi vắng nên việc chịu đựng cũng "giảm nhiệt".

Hàng xóm khó nhìn mặt nhau vì karaoke

Chung nỗi niềm chị Hoa, chị Cao Như Quỳnh (22 tuổi, quê TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) cũng khổ sở khi trở thành "nạn nhân" của việc hát karaoke từ nhà ở Lâm Đồng đến phòng trọ ở TP.HCM tại đường Trường Sa (quận Bình Thạnh). Chị tâm sự "số mình" sống ở nơi mà hàng xóm đều là những người đam mê mãnh liệt với karaoke.

"Họ thay phiên nhau hát, cứ nhà này vừa dừng là tới nhà tiếp theo. Thậm chí thường xuyên hát vào thời gian nghỉ ngơi của người khác như 1h sáng, 6h sáng và 12h trưa. Mỗi lần họ có thể hát từ 2-3 tiếng và rủ rất đông người đến ăn nhậu, tụ tập để cùng hát cho vui", chị Quỳnh nói.

Lúc đầu sợ mất lòng, chị khó chịu nhưng không nói gì, chỉ lắp thêm cửa kính để giảm ồn song cũng chẳng ăn thua. Rồi có lần không chịu nổi nữa, người nhà chị thử qua nói "mở nhỏ loa lại" thì bên này có giảm lại được một chút, sau đó đồn với cả xóm rằng nhà chị khó tính, thích bắt bẻ.

"Họ không hề ý thức được việc làm của họ là bất lịch sự và gây ảnh hưởng đến người xung quanh", chị Quỳnh cho hay.

Đổ máu vì loa kẹo kéo

Cuối năm 2020, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên Nguyễn Anh Quốc (sinh năm 1994) án tử hình về tội giết người. Tháng 6-2019, Quốc ăn nhậu và hát karaoke tại bãi đất trống trước một nhà trọ xã Hưng Long (huyện Bình Chánh). Vào thời điểm này, anh Trần Thanh Tiến (sinh năm 1979) cũng hát gần đó.

Thấy Tiến mở âm lượng lớn hơn, Quốc và bạn sang đánh. Chủ trọ can ngăn, Tiến về phòng mình. Quốc cầm kéo đuổi theo, đâm nhiều nhát. Sau đó, Tiến chết tại bệnh viện.

Vụ gần nhất là chiều 10-1-2022, nhóm thanh niên ăn nhậu trước một ki ốt trên đường Đoàn Thị Điểm (phường An Bình, TP Dĩ An, Bình Dương) và hát loa kẹo kéo. Khoảng 20h30, vợ chồng anh Dũng trọ phía đối diện yêu cầu nhóm này xoay loa vào trong cho đỡ ồn.

Khi vợ chồng anh về lại phòng trọ liền bị nhóm này cầm ly chén ném rồi đánh người vợ. Anh Dũng chạy ra bị đánh hội đồng. Anh bị thương ở đầu, vợ anh bị thương nhẹ.

----------------

"Nhà tui chắc kiếp trước ai cũng là ca sĩ nên giờ đều mê hát, có thể ca cả ngày vẫn chưa đã ghiền".

Kỳ tới: Hát cho vui và cho... bể tai hàng xóm

Cuối năm rền rĩ "Đắp mộ cuộc tình" - Kỳ 1: Trời ơi, hát hò hay tra tấn?Cuối năm rền rĩ 'Đắp mộ cuộc tình' - Kỳ 1: Trời ơi, hát hò hay tra tấn?

"Trời ơi, hát hò hay tra tấn?" là câu than thở của nhiều người khi phải/bị nghe những "ca sĩ" trong nhà ngoài phố tự do hát karaoke mọi lúc mọi nơi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên