27/01/2024 10:00 GMT+7

Đề nghị giám đốc Công an Hà Nội ‘xử điểm’ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết sẽ kiến nghị UBND TP Hà Nội đề nghị giám đốc Công an Hà Nội xử điểm doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài.

Ông Phan Văn Mến - giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Ông Phan Văn Mến - giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Ông Phan Văn Mến - giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội - khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ Online về việc năm 2023, Hà Nội có trên 53.000 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với số tiền hơn 4.200 tỉ đồng, ảnh hưởng tới khoảng 639.000 người.

Doanh nghiệp xấu hổ, tự nộp lại nợ bảo hiểm xã hội

* Thưa ông, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại Hà Nội năm 2023 ra sao?

- Hà Nội có số đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế rất cao, tỉ lệ cao nhất toàn quốc. Tổng nợ trên 6%. Sau khi trừ số nợ của các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, chủ bỏ trốn (những khoản nợ không thể thu hồi) thì còn xấp xỉ 2,3%. Tuy nhiên, số nợ giảm rất nhiều so với những năm trước đây.

Trong năm 2023, chúng tôi đã tổ chức thanh tra, kiểm tra là gần 5.200 đơn vị, đồng thời ban hành 112 quyết định xử lý vi phạm hành chính (tăng 62 đơn vị so với năm 2022), qua đó các đơn vị khắc phục tới 79% số nợ.

Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng chuyển hồ sơ của 7 đơn vị có số nợ lớn sang cơ quan điều tra và phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan điều tra xử lý, truy tố 15 đơn vị.

Tuy nhiên việc thực hiện thủ tục tố tụng chưa nhất quán giữa các cơ quan. Ví dụ, các bên chưa thống nhất chung vì có quan điểm chưa cấu thành đầy đủ vi phạm về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội để khởi tố. Đến nay, chưa khởi tố được đơn vị nào.

Thời gian tới Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tiếp tục kiến nghị UBND thành phố Hà Nội đề nghị giám đốc Công an thành phố Hà Nội xử điểm 1, 2 đơn vị để tạo sức lan tỏa. Chúng tôi cũng đề nghị ngành công an nghiên cứu, phối hợp với cơ quan tư pháp và bảo hiểm xã hội làm điểm một số vụ.

* Ông có nói năm qua, các doanh nghiệp khắc phục tới 79% số nợ với cơ quan bảo hiểm xã hội, vậy nguyên nhân từ đâu?

- Chúng tôi thu hồi số nợ bảo hiểm xã hội đạt tới 79% từ việc đôn đốc mạnh hơn qua việc đưa tên các đơn vị nợ đọng lên cổng thông tin điện tử, báo chí. Khi nhận được thông tin, các doanh nghiệp rất xấu hổ và nộp khắc phục ngay.

Thông qua hệ thống quản lý, hằng tháng chúng tôi lọc ra những đơn vị có số nợ đọng cao và giao cho phòng thanh tra, kiểm tra phối hợp phòng truyền thông viết văn bản gửi trực tiếp chủ sử dụng lao động, giám đốc doanh nghiệp. Một lần vào đầu tháng và một lần vào ngày 25 hằng tháng.

Sau hai lần thông báo, chúng tôi sẽ rà soát đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên để phối hợp với cơ quan chức năng hoặc độc lập kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Nếu chây ì, không khắc phục, ngành bảo hiểm xã hội sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý hình sự.

Số chi bảo hiểm y tế tăng cao vì sao?

* Vừa qua tại Hội nghị triển khai công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024, lãnh đạo UBND TP.HCM và Hà Nội đều có kiến nghị liên quan tới số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt dự toán, ông có thể nói rõ hơn việc này?

- Hà Nội được Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao dự toán 20.105 tỉ đồng, sau đó được bổ sung thêm 1.200 tỉ đồng nữa. Tuy nhiên, số chi của Hà Nội năm 2023 tăng cao lên tới 22.535 tỉ đồng, vượt 5,6% so với dự toán Thủ tướng giao ban đầu.

Cũng như TP.HCM, Hà Nội đã kiến nghị tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về số chi bảo hiểm y tế thực tế ở thủ đô và xem xét cấp đủ kinh phí đảm bảo lợi ích cho người tham gia. Việc chi bảo hiểm y tế tăng cao có nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên, số người tham gia bảo hiểm y tế của Hà Nội các năm qua tăng cao, đặc biệt là các năm 2022, 2023, tăng hơn 250.000 người, cao nhất toàn quốc.

Hai, Hà Nội có 25 bệnh viện trung ương và 47 bệnh viện tuyến thành phố, dẫn đến nhu cầu khám chữa bệnh lớn. Năm 2023, số chi bảo hiểm y tế cho người dân nơi khác tới thành phố khám chữa bệnh chiếm tới 50,3%.

Ba, cơ cấu độ tuổi tham gia bảo hiểm y tế của Hà Nội khác biệt do người về hưu khoảng 585.000 người. Thực tế, nhiều người về hưu mắc bệnh mạn tính dẫn tới nhu cầu khám chữa bệnh thường xuyên.

Bốn, cơ chế thông tuyến của Nhà nước thuận lợi cho bệnh nhân nội trú tuyến tỉnh. Nhiều người bệnh chưa tới mức phải khám ở tuyến trên nhưng cũng lên Hà Nội. Có người chỉ nhức đầu nhưng cũng lên tuyến huyện khám.

Chúng tôi sẽ đề nghị Nhà nước xem xét lại chính sách thông tuyến và tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực từ y tế tuyến cơ sở, tránh việc các bệnh nhẹ cũng phải đưa lên tuyến trên.

Theo ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, cơ quan này đã kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, trình Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có nghị quyết, báo cáo Thủ tướng quyết định, tháo gỡ vượt dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cưỡng chế vi phạm bảo hiểm xã hội hơn 4,4 tỉ đồng, nộp phạt chỉ 1%Cưỡng chế vi phạm bảo hiểm xã hội hơn 4,4 tỉ đồng, nộp phạt chỉ 1%

Một số doanh nghiệp vi phạm bảo hiểm xã hội bị cưỡng chế hơn 4,4 tỉ đồng nhưng chỉ nộp phạt có 50 triệu, đạt khoảng 1%, theo lãnh đạo UBND TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên