08/09/2023 08:55 GMT+7

Đề xuất tuyến đường sắt xuyên tâm TP.HCM: Cân nhắc nhiều khía cạnh

Nhiều chuyên gia và người dân lo ngại phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đời sống đô thị nếu đường sắt xuyên tâm TP.HCM đi từ ga Bình Triệu - ga Sài Gòn - ga Tân Kiên được làm như phương án đang được đề xuất.

Trong khi thử tải sau khi xây mới cầu Bình Lợi (tháng 9-2019), khách đi tàu SE22 được chuyển tải bằng ô tô từ ga Sài Gòn ra ga Bình Triệu để lên tàu - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trong khi thử tải sau khi xây mới cầu Bình Lợi (tháng 9-2019), khách đi tàu SE22 được chuyển tải bằng ô tô từ ga Sài Gòn ra ga Bình Triệu để lên tàu - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Dự kiến tuyến này sẽ đi xuyên qua các khu dân cư đông đúc, thực trạng giao thông đều khá phức tạp... Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến bạn đọc, chuyên gia xung quanh vấn đề này.

KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Nên đánh giá lại hướng tuyến

Tôi cho rằng lấy ga Sài Gòn làm trung tâm, đồng thời tổ chức các tuyến kết nối ga vệ tinh là đúng đắn. Ga Sài Gòn phải trở thành đầu mối trung chuyển khách giữa nhiều loại hình đường sắt quốc gia, metro, xe buýt...

Tuy nhiên, phương án thêm đoạn tuyến ga Sài Gòn - ga Tân Kiên nên đánh giá lại nhiều yếu tố vì chưa thật sự cấp thiết.

Hướng tuyến mới xác định đi trực tiếp vào những khu vực mật độ dân cư dày đặc nhưng lại chưa có trong quy hoạch hiện hữu.

Muốn triển khai đoạn này phải mở rộng đường Nguyễn Thông từ 10 - 12m lên 25 - 30m và đoạn chuyển từ đường Bà Hom sang đường số 7 (quận Bình Tân) với kinh phí giải phóng mặt bằng cao, nguy cơ mất cảnh quan, chuyện đồng bộ giao thông toàn bộ khu vực cũng không hề đơn giản.

Thông thường, khi đường sắt quốc gia đi vào nội thành chỉ nên là đường sắt dân dụng thì phương án sử dụng metro kết nối (thay vì các tuyến đường sắt mới) hiệu quả hơn, dễ tích hợp vào giao thông công cộng.

Hơn nữa, trong tương lai tuyến metro số 2 kết nối vào ga Sài Gòn còn tạo thành mạng lưới metro tỏa đi nhiều hướng hành khách dễ dàng tiếp cận.

Bên cạnh đó, nếu tuyến ga Bình Triệu - ga Sài Gòn - ga Tân Kiên được tính toán dùng vận chuyển hàng hóa thì hiệu quả đến đâu, tầm quan trọng ra sao? Thực tế hầu hết đầu mối hàng hóa tập trung tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương...

Như vậy, hàng hóa chỉ nên tập kết ga Bình Triệu, ga Sóng Thần tránh đi vào trung tâm TP. Cần bổ sung tuyến, các đơn vị ưu tiên mở tuyến đường sắt vận tải hàng hóa đi vào cảng Cát Lái phát triển dựa trên nền tảng sẵn có.

Tóm lại, liên danh tư vấn, các đơn vị chú trọng đánh giá hướng tuyến, quy hoạch, tác động, tính hiệu quả, nguồn vốn... Căn cứ vào đó, phương án nào hiệu quả hơn, hiệu quả kinh tế - xã hội cao và hợp lòng dân thì chọn làm.

Ga Sài Gòn được định hướng sẽ trở thành đầu mối trung chuyển hành khách của nhiều loại hình: xe buýt, taxi, đường sắt liên vùng, nội đô... - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ga Sài Gòn được định hướng sẽ trở thành đầu mối trung chuyển hành khách của nhiều loại hình: xe buýt, taxi, đường sắt liên vùng, nội đô... - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM):

Tránh xáo trộn đời sống người dân

Tôi thấy đề xuất làm thêm đường sắt xuyên tâm khó khả thi, chưa có sẵn trong quy hoạch đã thông qua. Một tuyến đường sắt đi vào trung tâm TP thì phải có hệ thống quản lý, hệ thống quy hoạch đem lại hiệu quả hẳn hoi.

Các quy hoạch trước nay cũng đã định hướng giữ ga Sài Gòn lại, từ đó đi xuống Tân Kiên toàn bộ dùng hệ thống metro.

Cho nên việc bổ sung thêm tuyến từ ga Bình Triệu - ga Sài Gòn - ga Tân Kiên không cần thiết, lo ngại tốn thêm chi phí đền bù, sẽ mất rất nhiều thời gian đánh giá, đảo lộn cuộc sống người dân trong khu vực.

TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam):

Tính kỹ giữa lợi ích và chi phí

Tôi cho rằng liên danh tư vấn phải làm rõ luận chứng kinh tế - xã hội, kế đến là vấn đề về kỹ thuật. Đặc biệt tính được tổng chi phí thực hiện và tác dụng của nó so với đường bộ hiện hữu.

Đoạn ga Bình Triệu - ga Sài Gòn (Hòa Hưng) có sẵn trong quy hoạch tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Đoạn ga Sài Gòn - Tân Kiên đang được đề xuất bổ sung vào quy hoạch có thể xem là kéo dài ra. Hướng này hiện đã có đường bộ mà làm thêm đường sắt với chi phí như vậy thì có lợi hơn không?

Mỗi một dự án đều có mặt lợi và hại và khi triển khai phải chọn phương án nào có lợi ở nhiều phương diện. "Làm tuyến này thì hệ quả có xáo trộn đời sống người dân khi giải phóng mặt bằng hay không, chi phí thế nào, cần cân thêm lợi và bất lợi".

Đường sắt xuyên tâm TP.HCM đi thế nào?

Theo báo cáo đầu kỳ lập quy hoạch tuyến và ga đầu mối TP.HCM (liên danh tư vấn Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển giao thông vận tải), tuyến từ ga Bình Triệu - ga Sài Gòn - ga Tân Kiên dài 23,6km.

Trong đó đoạn từ Bình Triệu - ga Sài Gòn được nâng cấp từ hành lang đường sắt cũ.

Đoạn ga Sài Gòn - Tân Kiên dài 15,7km là tuyến mới chưa có trong quy hoạch.

Từ ga Sài Gòn, tuyến đi theo trục đường 3 Tháng 2 đến nút giao Cây Gõ - đường Hồng Bàng - vòng xoay Phú Lâm.

Sau đó tuyến rẽ phải đi trên đường Bà Hom - rẽ trái và đi trên dải phân cách của đường số 7 - dọc theo bờ kè của kênh Lương Bèo - vượt rạch Bà Hom - nút giao Cửu Phú - đường Tân Tạo - Chợ Đệm về ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh).

Làm đường sắt xuyên tâm TP.HCM: Vốn từ đâu?Làm đường sắt xuyên tâm TP.HCM: Vốn từ đâu?

Liên danh tư vấn gửi Cục Đường sắt đề xuất nhiều tuyến mới đi xuyên tâm, kết nối sân bay đi qua các trục đô thị sầm uất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên