15/11/2015 07:36 GMT+7

Duyên nghiệp làm “người đưa đò”

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Không chủ đích và cũng chưa từng nghĩ sẽ trở thành nhà giáo, song vì duyên mà họ đã gắn kết cuộc đời mình với “nghiệp đưa đò”.

Lê Minh Kim Long trong vòng tay học trò tại một buổi sinh hoạt Đội - Ảnh: Q.NG.
Lê Minh Kim Long trong vòng tay học trò tại một buổi sinh hoạt Đội - Ảnh: Q.NG.

Sáu năm liên tiếp tham gia ứng tuyển và đều được vinh danh, cả hai người thầy đều cho rằng họ đã được động viên rất nhiều với giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” của Thành đoàn TP.HCM, để họ thấy tin yêu và gắn bó hơn với công việc.

Nhiều em bị tôi la rầy ngày trước nay vẫn giữ liên lạc và tìm tôi tâm sự khi gặp bất trắc trong cuộc sống dù đã ra trường nhiều năm. Tôi từng la học trò rất nhiều, khóc trước mặt học trò cũng không thiếu, nhưng tôi tin các học trò và phụ huynh đều hiểu vì sao tôi phải làm vậy

Thầy giáo LÊ MINH KIM LONG

Chữ “duyên” chọn nghề

Thạc sĩ Trần Quốc Trung (ĐH Ngoại thương cơ sở 2, TP.HCM) kể chưa từng nghĩ sẽ có ngày làm thầy giáo. Bởi con đường mà chàng trai gốc Quảng Nam này khi cầm trong tay hai bằng cử nhân ĐH Ngoại thương và Học viện Hành chính lúc chọn việc có phần khác. Vậy mà lại dự thi rồi trở thành giảng viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2, TP.HCM đến nay gần tám năm.

“Có nhiều lời mời với mức lương hấp dẫn từ các đơn vị lớn bên ngoài. Rồi bạn bè cùng khóa mới ra trường như mình lương thậm chí chục triệu đồng trong khi mình chỉ có 900.000 đồng, đôi lúc cũng tủi” - Trung nhớ lại. Là nhớ vậy thôi chứ không hối hận, Trung nói thế. Với anh, chọn nghề giáo là duyên, là chọn một lẽ sống cho cuộc đời mình chứ không đơn giản chỉ để có việc làm.

Nhớ ngày đầu tìm đến Trường THCS Trường Sơn (Q.Gò Vấp) nhận nhiệm sở, Lê Minh Kim Long nói phải chạy mấy vòng mới tìm ra. Hụt hẫng. Cảm giác chỉ muốn quay về ngay khi vừa đặt chân đến cổng. “Tôi không hình dung nổi một trường ngay nội thành mà nhỏ vậy, lấp xấp nước ngập dưới chân, bao nhiêu háo hức của ông thầy trẻ tan biến hết” - Kim Long hồi tưởng về ngày đầu đi dạy của bảy năm trước.

Vì lúc ấy dù theo học cao đẳng sư phạm song Kim Long đang làm bí thư Đoàn phường tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM). Ban ngày đi học, chiều làm việc tại phường và tối là thời gian dành cho hoạt động phong trào. Từng giành giải cao hội thi bí thư Đoàn cơ sở giỏi của TP ngay trong năm tốt nghiệp ra trường nên cũng phải đắn đo mãi, Long mới quyết định chọn nghề cầm phấn.

Tôi xác định rõ và chọn con đường không ngừng nghiên cứu để bổ sung, cập nhật những kiến thức mới cho việc giảng dạy của mình. Vì kiến thức kinh tế năm sau đã khác năm trước rất nhiều, nói gì đến cả chục năm. Đó cũng là cách để tôi không tự “cụt vốn” và làm mới tri thức của mình

Giảng viên TRẦN QUỐC TRUNG

Không dừng lại

Phó hiệu trưởng Trường THCS Trường Sơn Ngô Thị Nga nói kỹ năng hoạt động phong trào dường như là bẩm sinh có trong máu thầy Kim Long rồi. “Từ lúc thầy Long nhận nhiệm vụ tổng phụ trách, hoạt động Đội của trường lên thấy rõ. Thầy rất có tài thu hút nên hầu như hoạt động nào cũng đông học sinh tham gia. Dù mới 28 tuổi nhưng thầy Long được bầu làm chủ tịch công đoàn trường hai năm nay rồi” - cô Nga chia sẻ.

“Tôi thấy mình may mắn khi được lãnh đạo nhà trường tin và gần như ủng hộ tuyệt đối trong cả chuyên môn lẫn hoạt động phong trào. Tôi được trui rèn rất nhiều sau bảy năm gắn bó với nơi này” - Long bộc bạch.

Sự tin tưởng ấy thể hiện rõ khi Long được trường xếp lịch lên lớp để vừa dạy vừa liên thông đại học và đã kịp hoàn thành, chuẩn bị bảo vệ luận án thạc sĩ văn học cuối tháng 11 này. Ba năm qua, Long đứng lớp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi văn của trường và đã có một học sinh đoạt giải nhất học sinh giỏi văn cấp TP năm trước.

Trong lúc đó, chàng giảng viên ĐH Ngoại thương Trần Quốc Trung (29 tuổi) đã bảo vệ thành công hai luận án thạc sĩ, hoàn thành luận án tiến sĩ sẽ được bảo vệ vào cuối tháng 1-2016.

Hơn bảy năm đó, Trung làm bí thư Đoàn trường gần năm năm, xuất bản 15 bài báo khoa học, trong đó có ba bài đăng trên các tạp chí quốc tế, và cả lấy vợ sinh con! Làm luận án tiến sĩ của một chương trình liên kết với ĐH Lille 2 (Pháp), ngoài tự nghiên cứu, mỗi năm anh phải thu xếp lịch giảng để sang Pháp hơn một tháng làm việc cùng giáo sư hướng dẫn.

Thạc sĩ Trần Quốc Trung hiện là tổ phó tổ bộ môn nghiệp vụ Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - Ảnh: Q.NG.
Thạc sĩ Trần Quốc Trung hiện là tổ phó tổ bộ môn nghiệp vụ Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - Ảnh: Q.NG.

Câu chuyện của trò

Những tiết giảng cả thầy và trò cùng bàn luận khi mà các nội dung đàm phán của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn chưa chính thức kết thúc đã trở thành những buổi lên lớp đầy hứng khởi.

Do TPP là đàm phán kín, chỉ công bố toàn bộ nội dung sau khi kết thúc hoàn toàn quá trình đàm phán nên hễ có bất kỳ thông tin nào liên quan được nhắc đến, anh sẽ trích, gợi ý để sinh viên cùng tìm hiểu, đặt trong vai trò người đàm phán.

“Để tranh luận, thương thảo hay đưa ra các tình huống có thể đàm phán, sinh viên của tôi phải tìm hiểu nhiều thông tin, nhiều tài liệu mới biết cần và nên nói gì. Điều này giúp các bạn học một cách chủ động” - Trung cho biết. Ấy cũng là cách mở rộng kiến thức, cập nhật thời sự kinh tế trong nước và quốc tế cho sinh viên qua từng bài giảng về kinh tế và kinh doanh quốc tế mà Trung phụ trách.

Câu chuyện của thầy Long lại gắn liền với những học trò vẫn gọi anh là “ba Long”. Là thầy, là anh, là bạn nhưng anh cũng là chỗ dựa để lắng nghe và kịp thời giúp học sinh giải quyết nhiều khúc mắc trong cuộc sống. Những đứa trẻ vì gia đình vất vả quá có nguy cơ bỏ học đã được anh tìm mọi cách kéo lại lớp. Là những buổi truy bài sau giờ học đến 8, 9 giờ tối và anh trích tiền túi mua thức ăn cho trò nhiều năm rồi, chỉ mong “các con” phải tiến bộ hơn mỗi ngày.

Nhưng Long nhớ hoài câu chuyện cậu học trò xin không nêu tên ở đây. Đang học lớp 7, cậu kiên quyết xin nghỉ dù thầy hay mẹ cùng khóc trước mặt. Bẵng đi một năm sau đó Long nhận được tin nhắn, cậu bé thú thật lý do nghỉ học vì lúc đó theo bạn bè “chơi” ma túy đá nên “con sợ ảnh hưởng đến thầy nếu con tiếp tục đi học, con không muốn vậy”. Nhận tin nhắn, Long bật khóc. “Mình đã tìm mọi cách nhưng giá mà biết được lý do này ngay lúc đó, chắc chắn mình phải can thiệp để kéo em quay lại” - Long nói.

May mà cậu học trò ấy không trượt dài trên đường đời. Giờ cậu đã đi làm và vẫn giữ liên lạc với thầy Long, nhưng với nhà giáo trẻ ấy, đây vẫn là một thất bại khiến anh day dứt mãi trong nghề.

Vinh danh 179 nhà giáo trẻ tiêu biểu

Sáng 14-11, Thành đoàn TP.HCM đã tuyên dương 179 thầy cô giáo nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 2015. 13 thầy cô đoạt giải lần thứ ba liên tiếp được Trung ương Đoàn tặng bằng khen và ba thầy đoạt giải năm thứ sáu liên tiếp được nhận bằng khen của UBND TP.

Phó bí thư Thành đoàn Phạm Hồng Sơn khẳng định mỗi thầy cô được vinh danh đều tiêu biểu trên cả ba tiêu chí: đạo đức, chuyên môn và cống hiến của giải thưởng. Anh Sơn mong muốn mỗi điển hình không chỉ là tấm gương sáng cho trò trong công việc giảng dạy, mà còn từ chính cuộc sống hằng ngày dù còn nhiều khó khăn nhưng mỗi nhà giáo trẻ tiêu biểu sẽ luôn vượt qua để đứng vững và thành công với nghề.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên