14/12/2023 09:54 GMT+7

Làm gì để TP.HCM đáng sống trong màu xanh cây lá?

Chủ trương phát triển cây xanh, công viên đã có từ những năm qua nhưng vì sao TP.HCM chưa đạt được kết quả mong muốn? Thậm chí ở nhiều nơi công cộng, diện tích cây xanh bị thu hẹp.

Đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TP.HCM dẫn đầu trong phát triển kinh tế và đóng góp cho ngân sách cả nước nhưng tỉ lệ phủ cây xanh quá thấp so với tiêu chuẩn, trung bình chỉ 0,55m2/người, thấp hơn so với các thành phố lớn khác: Hà Nội 2,06m2/người, Đà Nẵng 2,4m2/người, Hải Phòng 3,41m2/người.

Nếu có những nhóm người, những khu phố phát động và trồng cây tạo mảng xanh hẳn sẽ có nhiều người, nhiều nơi nhiệt tình hưởng ứng. Sau đó có cả cộng đồng cùng phát triển mảng xanh và hưởng lợi trực tiếp từ việc này.

Chưa xem trọng cây xanh đô thị

TP.HCM đã thông qua đề án phát triển mảng xanh giai đoạn từ 2020 - 2030. Dự kiến đất công viên có thêm ít nhất 150ha (tăng 0,65m2/người) đến năm 2025, 450ha (đạt 1m2/người) đến năm 2030.

Trước đó, đồ án quy hoạch đến năm 2020 đặt mục tiêu có diện tích công viên công cộng 11.400ha, cây xanh khoảng 7m2/người. Thực tế hiện nay chỉ đạt 500ha.

30 cây xanh trên đường Trường Sơn đoạn gần sân bay Tân Sơn Nhất bị trám bê tông bịt kín gốc, sau khi báo chí phản ánh đã được đập bỏ để trả lại không gian sinh trưởng cho những cây xanh này.

Mới đây dư luận lại thêm một lần tiếc nuối khi có đến 100 cây xanh, trong đó có nhiều cây cổ thụ hơn trăm tuổi, bị đốn hạ trong công viên Gia Định.

Cây xanh nội đô thưa dần sau khi nhiều cây cổ thụ lâu năm bị đốn hạ. Trong phát triển đô thị, cây xanh buộc phải bị đốn hạ để nhường chỗ cho các công trình.

Có những công trình đã phải hạ hàng trăm cây cổ thụ khi chưa trồng được cây mới thay thế. Nhưng phải nhìn vào sự thật là chúng ta vẫn còn tâm lý xem thường cây xanh đô thị.

Thử nghĩ, sao không có biện pháp sớm phát hiện và cứu chữa những cây xanh có dấu hiệu sâu bệnh hay thật sớm trồng mới những cây nhanh tỏa bóng, thay thế các cổ thụ bị đốn hạ? Phát triển cơ sở hạ tầng lắm khi phải đốn hạ cây xanh, nhưng sau đó cần tìm cách phục hồi và tăng cường mảng xanh nhiều hơn nữa.

Tận dụng từng góc nhỏ để tạo mảng xanh trong khuôn viên công sở tại TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Tận dụng từng góc nhỏ để tạo mảng xanh trong khuôn viên công sở tại TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Cần làm đồng bộ nhiều giải pháp

Trước tiên, xem xét tăng cường đất trồng cây xanh, lồng ghép việc này vào khung chính sách. Ví dụ quy định khu dân cư phải có công viên, vườn hoa. Đường phố có cây xanh phù hợp, đủ khả năng tỏa bóng râm.

Có thể quy định xung quanh khu công nghiệp và đường giao thông, khu vực dân cư sinh sống phải được ngăn bởi cả dải cây xanh được xem là "vành đai xanh".

Thiết kế đô thị lấy tiêu chí mảng xanh làm chủ đạo, tương ứng với dân số, nhà ở, dịch vụ, du lịch, thương mại. Khu vực trung tâm thành phố có sẵn cảnh quan, thông thoáng nên tận dụng tạo không gian tương xứng, trồng cây và hoa kiểng.

Chọn loại cây gì cho phù hợp, cách thức chăm sóc hẳn đơn vị chuyên ngành có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Đất dành cho cây xanh phải được phân bố đều, trong đó có tận dụng những khu vực đất công. Chúng tôi mong sớm thấy công viên ở mặt bằng 44ha đất nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân).

Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh), trại giam Chí Hòa (Q.10)… là những khu đất công hiếm hoi có diện tích khá rộng còn sót lại, nên ưu tiên phát triển mảng xanh bên cạnh công trình công cộng.

Hai bên sông Sài Gòn có hành lang bảo vệ mỗi bên rộng từ 30 - 50m, nhiều đoạn có sẵn những khu đất công khá rộng, trong đó có đoạn được cho là đẹp nhất đi qua địa bàn TP Thủ Đức và các quận 1, 4, Bình Thạnh.

Những nơi này rất thuận lợi cho việc xã hội hóa mở rộng không gian cộng đồng, phát triển mảng xanh làm đẹp cảnh quan đô thị.

Cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư với những dự án phát triển mảng xanh. Như công viên bị "treo" đã lâu chưa thực hiện có thể điều chỉnh lồng ghép với các dịch vụ kinh doanh để khai thác thu hồi vốn.

Mô hình làm công viên, mảng xanh có thêm trung tâm thể dục thể thao, khu tổ chức sự kiện… Khi có một công trình mới thì ưu tiên thực hiện mảng xanh, quyết không thu hẹp hay bỏ qua điều kiện mảng xanh và công viên đối với các dự án bất động sản, nhà ở, khu dân cư.

Mỗi cơ quan, đơn vị, trường học, công ty phải có giải pháp phát triển mảng xanh, trồng cây bảo vệ môi trường tùy thuộc điều kiện thực tế.

Xây nhà ở bắt buộc có mảng xanh lân cận hoặc trên sân thượng, mái hiên, bờ tường ngoài trời… Nếu mỗi công sở, nhà dân tùy điều kiện tạo một góc mảng xanh, trồng cây, dây leo, rau quả sẽ góp phần phủ kín sắc xanh cho thành phố.

Mọi nhà trồng cây xanh

Rất cần có chủ trương xanh hóa đô thị, phổ biến cách thức trồng và chăm sóc cây xanh, tận dụng nơi nào đất còn trống để trồng cây xanh.

Khuyến khích người dân góp phần tạo mảng xanh khi có thể như ở sân thượng, lan can, cầu thang, không gian trong và ngoài phòng, xanh hóa theo chiều thẳng đứng trên các bức tường.

Những "mảnh vườn" trên sân thượng, ban công nhà mình để trồng rau quả còn giúp bữa cơm gia đình ngon miệng, bổ dưỡng với thực phẩm an toàn tươi sạch.

Bảo vệ Bảo vệ 'lá phổi xanh' của thành phố

TTO - Đóng quân ở rừng ngập mặn Cần Giờ, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ chiến sĩ hải đội 2 - Bộ đội biên phòng TP.HCM cùng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ ngày đêm bảo vệ “lá phổi xanh” cho TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên