21/01/2019 09:02 GMT+7

Mỗi năm 7.966 lễ hội, cứ đi là 'tả tơi', được không?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Lễ hội cần được trả cho nó hoạt động thuận theo truyền thống hay cần có quản lý để tránh quá đà, những hành vi 'phản cảm, xấu xí' là chuyện đang được bàn luận.

Mỗi năm 7.966 lễ hội, cứ đi là tả tơi, được không? - Ảnh 1.

Hội Gióng, đền Sóc, Hà Nội năm 2017 - Ảnh: NAM TRẦN

Lễ hội mới chỉ tạm "trật tự" được 1-2 mùa trở lại đây thì mới đây có nhà nghiên cứu và cả nhà quản lý cho rằng đã lễ hội thì phải "tả tơi", phải "thăng hoa" và Nhà nước không nên quản lý lễ hội quá trật tự, chỉ cần làm sao giữ cho dân chúng "thăng nhưng đừng thăng" quá! (Tuổi Trẻ ngày 19-1).

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu và nhà quản lý lại có quan điểm khác. Nhiều bạn đọc cũng hoài nghi rằng nếu nới lỏng quản lý lễ hội không khéo thăng hoa có thể thành thăng... họa?

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nhiều người đòi được thực hành lễ hội như xưa, nhưng xã hội thì đã rất khác xưa thì không thể đòi lễ hội phải "y như cũ" được. Lễ hội cũng cần biến đổi theo cộng đồng và với bối cảnh xã hội như hiện nay thì việc quản lý lễ hội ở một mức độ nhất định là cần thiết.

Phải đặt lễ hội vào hoàn cảnh xã hội của nó. Thời xưa, lễ hội là quy mô làng, vài làng, bây giờ lễ hội nào cũng có tính quốc gia, người nơi khác không am hiểu tập tục địa phương, tất làm loạn thêm. Thế kỷ 19, mỗi làng chỉ có khoảng 200 - 300 người, bây giờ làng lên tới 3.000 người, lễ hội làng có hàng vạn người thì độ tả tơi tăng lên đến mức phản cảm.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng

Mỗi năm 7.966 lễ hội, cứ đi là tả tơi, được không? - Ảnh 3.

Chọi trâu Đồ Sơn đã không ít lần gây tai nạn như thế này

Quyền được thăng hoa

Tại một hội nghị mới đây của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm - viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN) - cho rằng bản chất của lễ hội là phải có tranh cướp, chen lấn, xô đẩy.. .

Theo bà, lễ hội là sự thăng hoa của cộng đồng và đó chính là một giá trị của lễ hội. Vì vậy nhà quản lý và cả cộng đồng cần phải chấp nhận lễ hội là phải có sự va chạm, chen lấn chứ không thể đòi hỏi quản lý lễ hội thật trật tự.

Nhà quản lý cần tôn trọng quyền được thực hành văn hóa do cộng đồng ấy tự sáng tạo ra là các lễ hội mang bản sắc riêng, cần tôn trọng quyền được thăng hoa của người dân trong lễ hội, chỉ cần giữ cho sự thăng hoa ấy không "thăng quá".

Đồng ý với TS Phương Châm về việc lễ hội là những khoảnh khắc thăng hoa của dân chúng, nhưng nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng lại nhìn thấy phía bên kia của "thăng hoa lễ hội". Theo ông, lễ hội là hoạt động quy tụ con người, kết nối họ trong một cội nguồn văn hóa, đưa họ trở về với quá khứ và san bằng các khoảng cách.

Đây là những thứ tạo nên sự thăng hoa của người dân khi tham gia lễ hội. Nhưng, lễ hội nếu không phải là sự thăng hoa văn hóa thì nó lại có thể là sự quá khích của một cộng đồng. Sự quá khích xảy ra khi "con người đưa lý trí cá nhân của mình hòa vào đám đông".

Trong thực tế, những năm gần đây, xã hội đã không ít lần rúng động trước phen "con người đưa lý trí cá nhân của mình hòa vào đám đông", trước những đám đông quá khích đến thảm họa ở nhiều lễ hội. Từ chuyện ngất xỉu vì chen lấn xin ấn đền Trần cho tới tranh cướp lộc, cướp phết cầu may ở lễ hội cướp phết ở Hiền Quan, Phú Thọ; cướp chiếu cầu con trai ở lễ hội Đúc Bụt, Vĩnh Phúc...

Mới đây nhất, mùa lễ hội năm 2018 được cho là một mùa lễ hội khá... êm ả, vậy mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vẫn phải phát đi văn bản yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ phải dừng tổ chức lễ hội cướp phết nếu vẫn để xảy ra tình trạng tranh cướp có tính bạo lực.

Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc thì vẫn chưa hết ngao ngán về những mùa lễ hội trước đây khi đền Trần phát ấn vào nửa đêm.

Ông cho biết trước khi chuyển phát ấn đền Trần vào buổi sáng thì năm nào lễ hội này cũng hỗn loạn, có người bị ngất, bị thương phải khiêng qua tường cấp cứu. Ông dẫn chứng con số năm 2011 có 26 người bị thương do tranh cướp ấn.

Lễ cúng cầu an và lễ cúng sức khỏe của đồng bào Tây nguyên

7.966

Đó là số lễ hội của cả nước theo thống kê của các tài liệu nghiên cứu về lễ hội 2009 (năm 2004 là 8.902); trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác. Các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương và Phú Thọ. Một số lễ hội lớn như: lễ hội đền Hùng, lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội đền Trần (Nam Định)...

Dân muốn "như xưa", địa phương loay hoay

Rút kinh nghiệm từ các mùa lễ hội trước, năm nay Phú Thọ sẽ có nhiều thay đổi trong tổ chức lễ hội. Ông Nguyễn Việt Trung - phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ - cho biết năm nay lễ hội cầu trâu xã Xuân Quang, xã Hương Nha, ban tổ chức sẽ không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà chỉ có văn nghệ, thể thao.

Để ngăn chặn xô xát ở lễ hội cướp phết xã Hiền Quan, chính quyền sẽ dựng bốn lớp rào bằng cọc gỗ lớn, chăng dây thừng. Giữa các lớp rào này lại có công an tỉnh, huyện, xã đứng làm nhiệm vụ. Lượng người tham gia cướp phết cũng sẽ giảm một nửa so với năm trước, còn 100, chia thành hai đội.

Tuy thế, ông Trung cũng bày tỏ sự băn khoăn trước nguyện vọng của người dân với lễ hội cướp phết.

Ông nói rằng người dân vẫn mong muốn được cướp phết trong lễ hội chứ không phải chỉ là diễn nghi lễ này. Và tỉnh Phú Thọ vẫn đang phân vân giữa hai phương án diễn cướp phết hay cho dân cướp phết như truyền thống.

Một "điểm nóng" lễ hội khác là Nam Định, với lễ hội đền Trần thì nhà quản lý địa phương cũng có sự bối rối tương tự như của Phú Thọ.

Ông Nguyễn Đức Bình, trưởng Ban quản lý di tích đền Trần (Nam Định), cho biết sáu năm nay đền chỉ phát ấn từ sáng, không phát vào nửa đêm, hạn chế được tình trạng tranh giành, chen lấn, ban tổ chức "nhàn" hơn, nhưng ông và mọi người cũng không trọn vẹn niềm vui.

Bởi lẽ, các cụ già địa phương không ngừng mong muốn khôi phục nghi lễ phát ấn vào nửa đêm cho đúng truyền thống trong suốt những năm qua.

Mặc dù rất "ái ngại" với các vị bô lão địa phương, nhưng ban tổ chức lễ hội đền Trần cũng quá lo lắng trước sức ép rất lớn nếu lại phát ấn vào nửa đêm như truyền thống vì lượng khách tập trung đông đặc trong khuôn viên đền vào một thời điểm vì coi đó là giờ thiêng.

Mỗi năm 7.966 lễ hội, cứ đi là tả tơi, được không? - Ảnh 6.

Tục lệ chém lợn trong lễ hội chém lợn Ném Thượng (Bắc Ninh) không được tổ chức nơi kín đáo - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Xã hội không như xưa

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nhiều người đòi được thực hành lễ hội như xưa, nhưng xã hội đã rất khác xưa, nên không thể đòi lễ hội phải "như xưa" được. "Lễ hội là văn hóa cộng đồng, nhưng khi cộng đồng cũ ấy đã bị phá vỡ, không còn như xưa nữa, làm sao cộng đồng mới còn có đủ sức để thực hành một lễ hội như xưa" - ông Thượng nói.

Thêm nữa, tính chất của lễ hội ngày nay đã hoàn toàn khác trước, qua bao biến động lịch sử của đất nước trong thế kỷ 20. Và tới những năm gần đây lễ hội trở nên quá tải, thậm chí một vài nơi trở thành "vấn nạn".

Thay đổi trước tiên của lễ hội đó là về quy mô. Theo ông Phan Cẩm Thượng, xưa lễ hội chỉ ở trong từng làng xã nhỏ hẹp, vài ba làng kế cận cùng đến đó góp vui. Lớn hơn là lễ hội hàng tổng (lễ hội chùa Dâu) có nhiều làng liên quan cùng tham dự.

Chỉ có vài lễ hội mang tính chất quốc gia (hội đền Hùng, lễ hội chùa Hương), nhưng người tham gia lễ hội cũng không nhiều do giao thông chưa phát triển, nhà nghỉ có nhưng tạm bợ, và người nông dân nghèo cũng khó đi xa hơn cái làng của mình.

Ngày nay mỗi một lễ hội quy mô làng cũng có hàng ngàn người tham dự, với rất nhiều khách thập phương. Các địa phương coi lễ hội là dịp kinh doanh, khiến cho lễ hội biến tướng đi nhiều.

Ông Thượng phân tích lễ hội Ném Thượng xưa thực hành nghi thức chém lợn là người ta phải chạy đuổi theo con lợn rất to khỏe mà chém, thể hiện tinh thần thượng võ của một thời kỳ chuộng võ công và săn bắn. Nhưng nay họ chém một con lợn bị trói, và thật khó để nói nghi thức ấy vẫn mang tinh thần thượng võ ngày xưa.

Trong bối cảnh mà tinh thần chuộng võ công, săn bắn đã lùi vào quá vãng quá xa xưa của người Việt, ông Phan Cẩm Thượng cho rằng việc chém lợn mang tính hoang sơ của lễ hội này có thể có phần hơi man rợ, dưới con mắt của chúng ta hiện nay.

Bày tỏ quan điểm về việc có nên duy trì những lễ hội bị than phiền là "bạo lực" như lễ hội Ném Thượng, hay duy trì tục đâm trâu trong lễ Bỏ Mả của người Tây Nguyên, ông Thượng cho rằng trong một xã hội mà đang rất nhiều bạo lực như hiện nay thì không nên khuyến khích những lễ hội như thế này.

Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm cá nhân về lễ hội

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, mùa lễ hội năm 2019 là mùa lễ hội đầu tiên được quản lý theo nghị định 110 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 8-2018, với rất nhiều điểm đổi mới.

Đó là, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ quản lý chung chứ không quản lý trực tiếp các lễ hội mà phân quyền cho các tỉnh. Chủ tịch UBND các tỉnh sẽ được tăng quyền hạn, đồng thời phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ về công tác quản lý lễ hội trên địa bàn.

Ngoài ra, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch không còn quyền cấp phép lễ hội mà các lễ hội mới, lễ hội tổ chức lại sau ít nhất 2 năm gián đoạn chỉ cần nộp hồ sơ, đăng ký tổ chức lên cấp tương đương với quy mô lễ hội theo quy định.

Theo đó, lễ hội quốc gia đăng ký với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lễ hội cấp tỉnh đăng ký với UBND tỉnh, cấp huyện đăng ký với UBND huyện và cấp xã đăng ký với UBND xã. Chủ tịch UBND các cấp được ủy quyền phê duyệt cho phép tổ chức các lễ hội trên địa bàn, đồng thời được ra lệnh dừng lễ hội nếu xảy ra những vấn đề về an ninh nghiêm trọng theo quy định.

Nghị định cũng không có quy định về số hòm công đức (vốn gây nhiều tranh cãi) như dự thảo.

Trước đó, chiều 20-2-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành chỉ thị hỏa tốc về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; trong đó có giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định quản lý và tổ chức lễ hội theo hướng có các quy định phù hợp với từng loại hình lễ hội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia):

Vẫn cần quản lý

Lễ hội là một cuộc vui đông người, không tránh khỏi lộn xộn, và vì vậy, chúng ta cần chấp nhận sự lộn xộn như là một hiện tượng không thể tránh khỏi trong việc tổ chức lễ hội.

Các phương tiện truyền thông không nên lấy sự lộn xộn của lễ hội để biến nó thành một khía cạnh tiêu cực.

Tuy nhiên, sự lộn xộn của ngày hôm nay có những nét khác so với quá khứ. Có một số lý do để giải thích cho sự gia tăng lộn xộn khó kiểm soát trong lễ hội truyền thống ngày hôm nay như số lượng người quá lớn trong không gian tổ chức nhỏ, sự giải thiêng của các lễ hội, nghi thức trong lễ hội khiến những thứ "tầm thường" trong xã hội len lỏi vào lễ hội... Vì thế, chúng ta vẫn cần có những hình thức quản lý để tránh lộn xộn.

Có người nói lễ hội có nghi thức đâm trâu, chém lợn là phản cảm cũng có lý do. Bởi các nghi lễ này thay vì được tiến hành trong một không gian thiêng, riêng tư của cộng đồng, nhiều lễ hội lại đem các nghi lễ này để thu hút sự chú ý của xã hội, như một cách để kéo du khách đến với lễ hội, và phục vụ mục đích thương mại hóa lễ hội.

Yếu tố thiêng, mang tính văn hóa giờ bị xem là trần tục hóa và "câu khách", xa lạ với truyền thống văn hóa của dân tộc. Đây chính là lý do tại sao ngành văn hóa lại phản đối hiện tượng phản cảm trong lễ hội!

Đã có những đổi thay

Đối phó với tình trạng hỗn loạn, tranh cướp, hoặc "phản cảm" gây bức xúc trong xã hội thời gian gần đây, một số lễ hội đã thay đổi cách thức tổ chức. Ví dụ, lễ hội đền Trần 6 năm qua đã phải bỏ nghi thức phát ấn vào giờ "thiêng" là giờ Tý (23h đêm đến 1h sáng hôm sau) mà đợi tới sáng mới phát ấn.

Lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) cũng phải đổi từ cướp phết thật sang diễn; lễ hội cầu trâu cũng sẽ bỏ nghi thức đập đầu trâu từ mùa lễ hội 2019.

Lễ hội đền Gióng (Hà Nội) sau những hình ảnh tả tơi tranh cướp lộc hoa tre được phơi bày trước truyền thông thì năm 2018 ban tổ chức đã quyết định bỏ nghi thức cướp lộc hoa tre vì lo... phản cảm, dù vẫn tiến hành rước lễ, dạng hoa tre như truyền thống.

Còn lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc), bà Ninh Thị Thu Hương - cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - cho biết để tránh cảnh tranh cướp "sứt đầu mẻ tai", năm nay ban tổ chức sẽ cắt sẵn các mép chiếu cói để khi người dân động tay kéo là sẽ được ngay mảnh chiếu gọn gàng mà không cần tỉ thí sức mạnh co kéo...

Đi lễ hội phải... tranh cướp đến tả tơi mới là thăng hoa? Đi lễ hội phải... tranh cướp đến tả tơi mới là thăng hoa?

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng lễ hội thì phải “tả tơi”, nhà quản lý nên tôn trọng quyền được “thăng hoa” của dân, đừng đòi hỏi lễ hội phải quá trật tự.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên