25/01/2024 10:55 GMT+7

Thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng vẫn không sinh thêm con

Dù được kỳ vọng sẽ cải thiện nhưng mức sinh của TP.HCM trong năm 2023 chỉ là 1,32 (con), giảm hơn so với năm 2022 là 1,39. Giờ đây, giữ cho mức sinh không giảm xuống cũng là điều vô cùng khó khăn cho ngành dân số.

Niềm hạnh phúc, hân hoan của y bác sĩ và gia đình đón thêm một công dân mới chào đời năm 2024 tại TP.HCM  - Ảnh: DUYÊN PHAN

Niềm hạnh phúc, hân hoan của y bác sĩ và gia đình đón thêm một công dân mới chào đời năm 2024 tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Có rất nhiều lý do để phụ nữ ở TP.HCM "lười" sinh con. Hiện nay nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ sinh một đứa con, chưa kể không ít thanh niên còn không muốn lập gia đình. Tình trạng mức sinh thấp cũng được ghi nhận ở nhiều tỉnh thành khác.

Thu nhập cao vẫn không sinh thêm con

Chị N.T.T.L. (39 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) kể con gái chị năm nay 11 tuổi, đang học lớp 5 và đến nay vợ chồng chị cùng giữ quan điểm chỉ sinh một đứa con. 

"Hai bên nội ngoại động viên nhà tôi sinh thêm, nhưng tôi thấy với công việc đang đảm đương thì lo cho một đứa con đã là quá vất vả", chị L. chia sẻ. Cả hai vợ chồng chị L. đều làm cho các công ty nước ngoài. Buổi tối, sớm nhất phải 19h chị mới được về nhà, có hôm nhiều việc phải làm đến tận 21h. Chồng chị cũng về nhà sau 19h. Thế là ngày nào vợ chồng chị đều phải nhờ bà nội đón bé về nhà, cho bé ăn uống.

"Ăn tối xong, vợ chồng tôi chỉ nói chuyện với con một chút và đi ngủ. Mặc dù thu nhập của hai vợ chồng tôi hơn 100 triệu đồng/tháng nhưng tôi vẫn không dám sinh thêm vì thấy thời gian của mình phải dành cho công việc khá nhiều. Chưa kể một năm tôi phải đi công tác nước ngoài vài chuyến, mỗi chuyến đi mất 5-7 ngày nên việc lo cho con ở nhà là chồng tôi và bà nội đảm nhận", chị L. chia sẻ.

Còn vợ chồng anh N.V.K. (32 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) mới sinh được một bé trai 2 tuổi nhưng đã quyết định không sinh thêm con nữa. Vợ chồng anh đều đi du học bên Úc về, hai bên gia đình nội ngoại rất có điều kiện về kinh tế, sẵn sàng hỗ trợ thay phiên nhận trông cháu nhưng vẫn không làm thay đổi kế hoạch của hai vợ chồng.

"Trách nhiệm làm cha mẹ rất lớn, dạy con như thế nào để con trở thành một công dân tốt, phát triển được hết khả năng" là điều vợ chồng anh K. chia sẻ. Bên cạnh đó, vợ anh không muốn sinh thêm vì nhớ đến cảnh sinh nở đau đớn, đêm hôm phải chăm con nhỏ, thời gian có con nhỏ hai vợ chồng không được đi đây đi kia, ảnh hưởng đến dáng vóc người phụ nữ...

Còn nhiều cặp vợ chồng khác lại chia sẻ những lý do khiến họ không muốn sinh thêm con nữa là chi phí cho một đứa con quá lớn với thu nhập của họ. Chưa kể áp lực công việc với phụ nữ ngày càng lớn, thời gian làm việc quá dài nên không thể có thời gian chăm sóc con, mất nhiều thời gian để đưa đón con đi học, học thêm, phát triển các kỹ năng...

Dù đã có chủ trương khuyến khích sinh hai con để đảm bảo mức sinh thay thế nhưng nhiều gia đình chỉ sinh một con - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Dù đã có chủ trương khuyến khích sinh hai con để đảm bảo mức sinh thay thế nhưng nhiều gia đình chỉ sinh một con - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nỗ lực giữ mức sinh hiện tại

Nhìn nhận về mức sinh ít, ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho rằng thật ra lịch sử mô hình chuyển tiếp nhân khẩu học của các nước trên thế giới đều cho thấy khi áp lực của cuộc sống ngày càng tăng và sự nhìn nhận giá trị sống của con người thay đổi thì mức sinh sẽ càng giảm. Điều này đã thấy rất rõ từ những nước phát triển phương Tây cho đến các nước châu Á và những quốc gia Đông Nam Á, trong đó có VN.

Bên cạnh đó, theo ông Trung, tình hình kinh tế khó khăn trong năm qua cũng là một trong những nguyên nhân. Những cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn sẽ cân nhắc về điều kiện gia đình trong việc sinh con, nuôi dạy, chăm sóc con với chi phí ngày càng tăng. Rồi nữa là có thể nhìn thấy sự cạnh tranh về việc làm và thách thức phải đầu tư phát triển chuyên môn của người lao động. 

Vì thế, khuynh hướng sinh con một ngày càng trở nên phổ biến. Bên cạnh đó, cũng phải xem xét những nguyên nhân khác bao gồm sự thay đổi về quan điểm kết hôn và sinh con của thế hệ hiện nay, xu hướng kết hôn muộn và sinh con muộn cũng như tình trạng vô sinh nguyên phát và thứ phát tại VN.

Trả lời câu hỏi thực tế TP.HCM đã bàn nhiều về các biện pháp để nâng mức sinh trong nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa thấy có một sự hỗ trợ cụ thể với những người sinh con thứ hai? Ông Trung cho rằng việc đề xuất các chính sách liên quan đến nhu cầu và lợi ích của người dân được ngành dân số tôn trọng, tiếp thu thường xuyên từ phía các sở, ban, ngành và từ chính người dân.

"Hiện chúng tôi đang tích cực cung cấp thông tin về vấn đề mức sinh thấp đến người dân. Việc tham mưu Sở Y tế trình HĐND TP dự thảo về chính sách dân số tại TP.HCM đến năm 2030, trong đó tập trung các giải pháp vào việc hỗ trợ việc sinh đủ hai con; khuyến khích, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách này cũng xuất phát từ các góp ý của chuyên gia và phản hồi của người dân thông qua các kênh truyền thông và các diễn đàn", ông Trung nói.

Một trong những tác động lớn nhất của mức sinh thấp, theo ông Trung, chính là tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Và trong tương lai khi các tỉnh thành khác trong cơn khát nguồn lao động trẻ thì TP.HCM cũng đứng trước thách thức về sự thiếu hụt nguồn lao động. Trong xu hướng hiện nay, có lẽ thách thức rất lớn của TP.HCM là làm sao giữ không xuống dưới mức sinh hiện tại và nâng dần mức sinh lên với các điều kiện ổn định về chất lượng dân số của TP.

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM - Đồ họa: TUẤN ANH

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM - Đồ họa: TUẤN ANH

Giới trẻ thay đổi quan điểm về hôn nhân và sinh con

Bà Nguyễn Quang Việt Ngân, phó khoa địa lý (Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng mức sinh thấp tại TP.HCM do nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự thay đổi quan điểm của các bạn trẻ trong hôn nhân và sinh con. Đây là một thách thức cho những người làm công tác dân số.

Bà Ngân cho rằng không thể có cùng một giải pháp để nâng mức sinh cho tất cả các đối tượng. Có những người mong muốn sinh con nhưng vì điều kiện không cho phép thì cần nghiên cứu để hỗ trợ. Còn với những người phụ nữ do áp lực công việc mà không muốn sinh con thì cần phải tạo ra một môi trường công việc có thể cân bằng với thời gian dành cho cuộc sống gia đình, trong đó có việc chăm sóc con cái.

Trong khi đó, TS Ngô Xuân Điệp, khoa tâm lý Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng một gia đình sẽ biết rõ nhất họ nên sinh 1-2 hay nhiều hơn nữa. Họ chỉ muốn sinh con khi cảm thấy hạnh phúc và thoải mái với điều đó. Hiện nhiều cặp vợ chồng khi sinh con gặp nhiều áp lực, nhất là với phụ nữ.

Vì thế, muốn khuyến khích các gia đình sinh thêm phải gỡ cho họ bớt đi những lo lắng này, đặc biệt từ phía người phụ nữ. Cụ thể, phải có những chính sách như một số nước như đứa trẻ được sinh ra sẽ được trợ cấp bao nhiêu, bà mẹ sinh đủ hai con được ưu tiên gì trong công việc - như có thể làm ít 1 - 2 giờ mỗi ngày? Khi sinh con thứ hai được ưu tiên gì khi đến bệnh viện khám, sinh nở...

Tỉ lệ sinh giảm là xu hướng chung cả nước

Kinh nghiệm các nước cho thấy kinh tế - xã hội càng phát triển thì tỉ lệ sinh càng giảm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kinh nghiệm các nước cho thấy kinh tế - xã hội càng phát triển thì tỉ lệ sinh càng giảm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Cử, chuyên gia nhiều kinh nghiệm về chính sách dân số, cho hay năm qua không chỉ TP.HCM mà mức sinh chung của cả nước cũng giảm từ trên 2 con/bà mẹ đã duy trì nhiều năm xuống 1,96 con/bà mẹ. Kinh nghiệm các nước cho thấy kinh tế - xã hội càng phát triển thì tỉ lệ sinh càng giảm và VN cũng không ngoại lệ.

Theo ông Cử, tỉ lệ sinh giảm quá thấp mà nhiều người gọi là chứng "lười đẻ" dễ dẫn đến hệ lụy là già hóa dân số nhanh, thiếu lao động, về lâu dài cần lao động nhập cư... Nước Đức, Nhật, Hàn Quốc... từng có dự báo nếu tỉ lệ sinh cứ như hiện nay thì tương lai không còn xa, dân số chung sẽ giảm còn rất thấp.

Ở phương diện cá nhân, tôi cho rằng việc không sinh con hoặc sinh quá ít ở ngắn hạn là thuận lợi cho từng gia đình (vì mất ít thời gian chăm sóc con nhỏ) nhưng nhìn dài hạn, 30 - 40 năm sau nhiều người già không có con cháu hỗ trợ. Mọi người vẫn nói "già thì vào viện dưỡng lão, hoặc tôi có tiền nên không sợ", nhưng dù như thế nào có người thân vẫn hơn rất nhiều.

Vì thế, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ. Trong đó có thể hỗ trợ những gia đình sinh đủ hai con bằng tiền mặt, giảm đóng góp công ích khi gia đình có con nhỏ, giảm học phí, giảm mạnh thuế thu nhập cá nhân...

Ngoài ra, cần đa dạng hóa cách thức hỗ trợ chứ không chỉ hỗ trợ bằng tiền như tăng thời gian được nghỉ cho nam giới khi vợ sinh con, hiện được nghỉ bảy ngày, nhưng nếu có thể thì nghỉ một tháng bởi nhiều nước đã cho nghỉ sáu tháng.

Bên cạnh đó, cần tăng các dịch vụ hỗ trợ gia đình như có thêm nhiều trường học, nhà trẻ, có chính sách hỗ trợ về mua nhà ở... Nếu hỗ trợ bằng tiền thì ngân sách không có đủ, nhưng nếu hỗ trợ đa dạng như vậy thì thực hiện sẽ dễ hơn.

Đồng Nai sẽ trình lại chính sách cho việc sinh đủ 2 con

Không chỉ TP.HCM, mức sinh thấp đều là tình trạng chung ở các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ thời gian qua. Tại Đồng Nai, từ tỉ lệ 2,07 con/bà mẹ năm 2009 đã giảm xuống 1,87 con/bà mẹ (năm 2022) - thấp hơn mức sinh thay thế 2,1 con/bà mẹ. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh này hằng năm đều dưới 1%, năm 2023 chỉ 0,7%. Từ 40.558 trẻ được sinh ra năm 2019 thì chỉ còn 33.359 trẻ trong năm 2022.

Theo đại diện Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đồng Nai, năm 2021 ngành y tế tham mưu xây dựng nghị quyết quy định chính sách khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số. Trong đó có chính sách khen thưởng bằng tiền hoặc hiện vật để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Hàng loạt ưu đãi được đưa vào dự thảo như ưu tiên mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu đãi học phí...

Tuy nhiên, sau khi xem xét nhiều khía cạnh và đặc biệt là chờ Luật Dân số ban hành để kiện toàn chính sách pháp luật, ngành y tế Đồng Nai đã xin tạm dừng tham mưu xây dựng chính sách khen thưởng trên.

"Hầu hết các nước phát triển đã thi hành rất nhiều chính sách khuyến sinh song việc giảm sinh thì dễ nhưng tăng mức sinh rất khó, hầu như chưa nước nào thành công trong tăng mức sinh", vị này phân tích thêm.

Để nâng mức sinh lên bằng mức sinh thay thế, ngoài việc tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, ngành y tế Đồng Nai dự kiến sẽ xin trình lại chính sách khuyến khích, khen thưởng, thậm chí vừa khuyến khích vừa khen thưởng bằng tiền hoặc hiện vật đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.

Một cán bộ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng để tránh việc người dân ở TP.HCM, Đông và Tây Nam Bộ ngại sinh đẻ, cần quan tâm trước hết đến những vấn đề về quy hoạch, quản lý, trật tự đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng... để người dân thấy thoải mái, tận hưởng cuộc sống. Trong giai đoạn trước mắt, TP.HCM và các khu vực phụ cận có thể sử dụng lao động từ các vùng khác dịch chuyển đến.

Đồng Nai khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con - Ảnh: A Lộc

Đồng Nai khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con - Ảnh: A Lộc

Các nước khuyến khích sinh đẻ như thế nào?

Hàn Quốc có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới ở mức 0,78 vào năm 2022 và dự báo sẽ giảm xuống mức 0,65 vào năm 2025. Kể từ năm 2022, nước này cho phép cả cha mẹ được nghỉ phép nuôi con (parental leave) lên tới một năm, hưởng 80% mức lương trung bình hằng tháng.

Các bà mẹ tại Hàn Quốc được nhận khoản trợ cấp 2 triệu won (1.510 USD) cho mỗi đứa trẻ được sinh ra. Mỗi gia đình được hỗ trợ 700.000 won (528 USD) hằng tháng cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi và 350.000 won (264 USD) cho trẻ dưới 2 tuổi. Năm 2024, số tiền này sẽ tăng lên lần lượt là 1 triệu won (755 USD) và 500.000 won (377 USD). Tiền hỗ trợ tiếp tục cho trẻ đến khi vào tiểu học, với mức 200.000 won/tháng (151 USD). Các hộ gia đình thu nhập thấp và cha mẹ đơn thân có thể nhận thêm các khoản hỗ trợ khác.

Nước này cũng hỗ trợ chi phí y tế cho phụ nữ mang thai, điều trị vô sinh, dịch vụ trông trẻ và thậm chí trả cả chi phí hẹn hò. Viện Kinh tế Hàn Quốc tại Mỹ cho biết vào năm 2024, Hàn Quốc có kế hoạch phân bổ thêm 30 tỉ USD để khuyến khích sinh đẻ.

Dữ liệu từ Bộ Y tế Nhật Bản cho biết tỉ lệ sinh của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục là 1,26 vào năm 2022. Theo Hãng truyền thông DW, năm 2023 Nhật Bản công bố chi trả khoảng 3.500 tỉ yen (25 tỉ USD) hằng năm để hạn chế tình trạng giảm tỉ lệ sinh, thông qua tăng cường hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình có trẻ em. Theo đó, cha mẹ sẽ được trợ cấp hằng tháng 15.000 yen (107 USD) cho mỗi trẻ từ sơ sinh đến 2 tuổi, 10.000 yen (68 USD) cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.

Tokyo sẽ không dùng thu nhập hộ gia đình làm tiêu chí để trợ cấp cho cha mẹ, đồng thời có kế hoạch mở rộng trường mẫu giáo, nhà trẻ để chăm sóc cả những trẻ em có cha mẹ thất nghiệp.

Bắt đầu từ năm tài khóa 2025, Nhật sẽ tăng phúc lợi nghỉ phép nuôi con, thu nhập khả dụng của hộ gia đình sẽ không thay đổi trong tối đa bốn tuần ngay khi cả cha và mẹ đều nghỉ phép. Các biện pháp khác bao gồm tăng thời gian nghỉ phép nuôi con có lương và trợ cấp cho việc điều trị hiếm muộn.

Tỉ lệ sinh trong Liên minh châu Âu vào năm 2021 là 1,53, thấp hơn mức 2,1 để duy trì dân số ổn định qua các thế hệ.

Theo báo Politico, Hungary là nước dẫn đầu châu Âu về chính sách khuyến khích sinh đẻ, trong đó phụ nữ có 4 con trở lên sẽ được miễn thuế suốt đời, người mua nhà lần đầu có con nhỏ được hỗ trợ tài chính 35.000 euro.

Ba Lan cũng triển khai chương trình trợ cấp khoảng 120 euro/tháng cho mỗi người con thứ hai trở lên. Ở Thụy Điển, cả cha và mẹ đều được nghỉ phép nuôi con trong 8 tháng, còn ở Phần Lan là 7 tháng.

Mức sinh tại TP.HCM tiếp tục đi xuống, người cao tuổi tăng nhanhMức sinh tại TP.HCM tiếp tục đi xuống, người cao tuổi tăng nhanh

Dù các nhà làm chính sách dân số đã kỳ vọng mức sinh tại TP.HCM có thể tăng lên trong năm 2023, thực tế mức sinh này tiếp tục giảm thấp so với năm 2022.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên