05/01/2024 08:33 GMT+7

Việt Nam còn bao nhiêu năm để tận dụng thời kỳ dân số vàng?

Bắt đầu từ năm 2007, với tỉ số người phụ thuộc chung dưới 50%, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Tại thời điểm này, chuyên gia nhận định thời kỳ dân số vàng sẽ kéo dài trong vòng 20 - 30 năm nữa, tức 2027 - 2037.

Tận dụng hiệu quả giai đoạn dân số vàng phải thông qua nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo, tuổi thọ chung và tuổi thọ khỏe mạnh - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Tận dụng hiệu quả giai đoạn dân số vàng phải thông qua nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo, tuổi thọ chung và tuổi thọ khỏe mạnh - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Năm 2023, với quy mô dân số vượt ngưỡng 100 triệu dân, Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng nguồn lao động và đối mặt với già hóa dân số?

13 năm, lao động qua đào tạo tăng gần 7%

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, chiếm 52% dân số. Trong khi đó năm 2010, khi dân số đạt gần 87,5 triệu dân thì lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên là hơn 50,5 triệu người.

Năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính 14,1 triệu người, chiếm 27%. Như vậy cả nước vẫn còn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Năm 2010, trong tổng số 50,8 triệu người lao động, chỉ có 7,4 triệu người qua đào tạo, chiếm 14,7% tổng lao động.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và trẻ em, với khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi, thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề.

"Mỗi năm nước ta có từ 1,5 - 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tuy nhiên lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn.

Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch... là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu dân số vàng", GS Cử nhận định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Giang Thanh Long - khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân - cũng cho rằng hiện nay số lao động qua đào tạo tại Việt Nam tăng trưởng rất chậm.

Thực tế, các ngành sản xuất ở Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đảm bảo tăng trưởng, cải thiện thu nhập cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều ngành sản xuất đang hướng tới xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da… và nằm ở vùng thấp của chuỗi giá trị.

"Chúng ta chỉ lắp ráp, hoàn thiện gia công sản xuất chứ chưa sáng tạo, thiết kế độc lập và bị phụ thuộc, nói cách khác nếu có cú sốc kinh tế thì người lao động dễ gặp tổn thương. Do đó trước mắt là thay đổi trình độ kỹ năng người lao động, cùng với đó là thay đổi cấu trúc của nền kinh tế.

Sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật cần những lao động có trình độ cao. Việc đào tạo, tạo cơ chế cho lĩnh vực này phát triển sẽ là bước đệm giúp Việt Nam phát triển trong thời gian tới", GS Long nhận định.

Các chuyên gia nhận định đến năm 2036 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Các chuyên gia nhận định đến năm 2036 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Việt Nam còn hơn 10 năm "dân số vàng"

GS Long cho hay theo thống kê về cơ cấu dân số thì đến năm 2036, Việt Nam sẽ qua thời kỳ dân số vàng và bắt đầu đối diện với già hóa dân số.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cũng cho rằng tốc độ già hóa của Việt Nam nằm trong nhóm nhanh nhất thế giới, các chuyên gia dự báo Việt Nam đến năm 2036 sẽ bước qua thời kỳ cơ cấu dân số vàng.

Việt Nam muốn tận dụng tốt thời kỳ cơ cấu dân số vàng hiện nay và ứng phó kịp thời thời kỳ dân số già cần phải tập trung quyết liệt vào việc nâng cao chất lượng dân số, đầu tư cho y tế, giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tránh nguy cơ lãng phí thời kỳ cơ cấu dân số vàng, ứng phó kịp thời thời kỳ dân số già.

"Tỉ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn của Việt Nam vẫn còn chưa cao, nhiều lao động đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu ngành nghề dẫn đến năng suất lao động thấp, đáp ứng chưa hiệu quả yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng hội nhập quốc tế", ông Trung nhận định.

Ông Nguyễn Khánh Cường - hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama2 - cho biết hiện Việt Nam đang trong giai đoạn thời kỳ "dân số vàng", cần phải tận dụng tốt lợi thế này để phát triển kinh tế, xã hội.

Cụ thể, chú trọng đào tạo nguồn lao động theo hai hướng gồm hướng nghiên cứu do các trường đại học trở lên đảm nhiệm, hướng thứ hai đào tạo nghề đảm bảo năng suất, tăng tính cạnh tranh, thì nguồn nhân lực tay nghề chất lượng cao là quan trọng.

"Hiện nay đào tạo học nghề hầu hết là từ con em nông thôn, lớp 9 học nghề được hưởng từ ngân sách, còn đối với phân cấp cao đẳng hiện nay phải đóng tiền học phí, trong khi chi phí đào tạo bỏ ra cao hơn nhiều học phí thu", ông Cường cho hay.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Cần "nắm đỉnh" của cơ cấu dân số vàng

Theo GS Long, một trong những "điểm sáng" của lao động Việt Nam trong 10 năm qua là tỉ lệ lao động năng suất gia tăng.

Tức những lao động này có mức lương cao hơn nhiều lần so với lương tối thiểu vùng. Nhóm lao động này tập trung từ 30 tuổi đến 44 tuổi, đây cũng là "nhóm đỉnh" của cơ cấu dân số vàng.

"Chúng ta cần hiểu rõ, dân số vàng chỉ là cơ cấu của dân số, nhưng để biến dân số vàng thành vàng thật thì còn do việc sử dụng nguồn lao động có hiệu quả hay không.

Cần đẩy mạnh về đào tạo mà còn là cơ cấu kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghệ, kỹ thuật cao… Sẽ là cơ hội cho việc phát triển vô cùng lớn.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị cho một thế hệ già hóa. Ngay từ bây giờ, cần thúc đẩy các chính sách về chăm sóc sức khỏe, để dân số già sống khỏe mạnh, vẫn có môi trường làm việc, sinh sống và không trở thành gánh nặng cho xã hội", GS Long chia sẻ.

Tuổi thọ trung bình được tính như thế nào?

Mới đây, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2023 là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi), trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi.

Theo Tổng cục Thống kê, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh là số năm trung bình mà mỗi người mới sinh có triển vọng sống được, tính theo mô hình chết quan sát được trong hiện tại.

Cụ thể, với số liệu dân số các độ tuổi trong một năm sẽ được thống kê thành bảng sống. Bảng sống này sẽ liệt kê dân số hiện đang sống và chết đi từ 1 tuổi, 2 tuổi đến 100 tuổi trong năm đó.

Nguồn số liệu sẽ được lấy từ tổng điều tra dân số và nhà ở; điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ; điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cách tính tuổi thọ trung bình hiểu đơn giản là tính tổng tuổi thọ trong bảng sống chia cho tổng số dân số (số người sống ban đầu được thống kê).

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của Việt Nam hiện nay thấp hơn ba quốc gia là Singapore (83 tuổi), Brunei (78 tuổi), Thái Lan (76 tuổi).

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống chung với bệnh tật gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống.

Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm có xu hướng gia tăng. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc sức khỏe, giảm gánh nặng cho y tế, cộng đồng trong tương lai.

15 năm dân số vàng còn trước mặt…15 năm dân số vàng còn trước mặt…

Các nghiên cứu quốc tế và các phương án tính toán đều dự đoán Việt Nam có từ 30-45 năm cơ cấu dân số vàng, từ 2006 đến 2040, hay 2050.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên